top of page
Rechercher
  • Photo du rédacteurTỪ THỨC

*****từ ĐỘC THOẠI CỦA ÂM HỘ tới.. ĐỐI THOẠI VỚI CỦA NỢ

Dernière mise à jour : 6 sept. 2018

LỜI ĐỘC THOẠI CỦA ÂM HỘ

Ba nữ bộ trưởng Pháp, thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau, đối lập nhau, đã lên sân khấu Paris đầu tháng 3 sắp tới, trở thành diễn viên một đêm trong vở kịch nổi tiếng của Eve Ensler, Les Monologues Du Vagin ( Lời Độc Thoại của Âm hộ )

Đó là cách chào mừng Ngày Phụ Nữ của ba chính trị gia, bà ROSELYNE BACHELOT, cựu bộ trưởng Y tế thời Nicolas Sarkozy, hữu phái, MYRIAM EL KHOMRI, cựu bộ trưởng Lao Động thời François Hollande, tả phái, và MARLÈNE SCHIAPPA, đương kim thứ trưởng bộ Bình quyền Nam Nữ của Emmanuel Macron , không hữu không tả.

‘’ Lời Độc thoại của Âm hộ ‘’ ( The Vagina Monologues ) được trình diễn trên khắp thế giới từ trên 20 năm nay, được coi là tác phẩm tranh đấu cho nữ quyền ngang hàng với ‘’ Le Deuxième Sexe ‘’ của Simone de Beauvoir.

Ba bà bộ trưởng : El Khomri, Schiappa, Bachelot

Tác giả, Eve Ensler, nhận thấy ngay cuối thế kỷ 20, cái âm hộ, hay âm đạo, cái vagina, cái vagin, cái sexe của đàn bà, vẫn còn là một tabou, một điều cấm kỵ.

Đàn bà, trong bất cứ văn hóa nào, được coi là một dụng cụ sinh đẻ để truyền giống.

Phụ nữ không có quyền có lạc thú, nhất là lạc thú thể xác. Phụ nữ không dám tìm hiểu, đề cập tới một phần thân thể mình. Một nhân vật trong Les Monologues du Vagin nói chưa bao giờ dám nhìn cái sexe cuả mình, không biết mặt mũi nó ra sao.

Đó chỉ là đề tài đùa dỡn của đàn ông, những lúc tàn dư tửu hậu, và thường thường là những lời lẽ diễu cợt khoe khoang ngu dốt của những người tưởng mình biết hết, tường tận vấn đề. Về sexe, những anh hay khoe khoang nhất là những anh dốt nhất

TÂM SỰ CỦA 200 PHỤ NỮ

Eve Ensler đi phỏng vấn 200 phụ nữ, nghe họ nói về cái âm hộ của họ. Những nhận xét khôi hài, tế nhị, thâm thúy, ranh mãnh hay đau xót, phẫn nộ, những câu chuyện đôi khi khôi hài, đôi khi bi đát, trở thành một vở kịch, trình diễn lần đầu tại kinh đô kịch nghệ Broadway ở New York năm 1996.

Những ngày đầu, chỉ đọc cái tên vở kịch, khán giả ngần ngại, diễn viên ngập ngừng. Dần dần, vở kịch trở thành một hiện tượng văn hóa, xã hội, được trình diễn liên tục trên 140 quốc gia, qua 50 ngôn ngữ, bởi nhiều thế hệ kịch sĩ, kể cả những nghệ sĩ uy tín nhất.

Tại bất cứ thành phố lớn nào ở những nước tự do cũng có một ban kịch đang trình diễn The Vagina Monologues

Ba năm sau, kịch bản của Eve Ensler được dịch ở Pháp, và năm 2000, buổi trình diễn đầu tiên.

Từ đó trên 3500 buổi trình diễn trên khắp nước Pháp đã thu hút trên 800.000 khán giả . Tại Toulouse chẳng hạn, vở kịch được trình diễn liên tục từ 13 năm nay tại Théâtre des 3T .

Vở kịch rất đơn sơ, không cần dàn cảnh phức tạp. Ba nữ diễn viên nói về cái âm hộ của mình. Đúng hơn là đọc lại lời tự thuật của những người đàn bà đã được phỏng vấn, những suy nghĩ, tâm tình thật nhất, cảm động nhất, chua chát nhất, khôi hài nhất về cái bô phận thân thể người ta vẫn tìm mọi cách dấu kín từ thời thượng cổ.

Vở kịch trở thành tiêu biểu cho cuộc tranh đấu cho quyền phụ nữ, vì bên cạnh mục tiêu giải phóng phụ nữ khỏi những cấm kỵ, những tabou, để tìm hiểu về thân xác, về chính mình, tác giả đề cập, tố cáo những tệ nạn nghiêm trọng mà đàn bà là nạn nhân : cắt xéo âm hộ, hiếp dâm, hôn nhân cưỡng bách, án tử hình phụ nữ bị kết án ngoại tình vv..

Các nhân chứng nói về thân thể phụ nữ, về dồn nén tình dục, về kinh nguyệt, về mang nặng đẻ đau, về thực tế đàn ông quên lãng, hay cố tình quên lãng : ‘’ đàn ông vượt biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình ‘’.

Coi xong vở kịch, phụ nữ thấy nhẹ nhõm, đàn ông cảm thông hơn, khám phá một thế giới xa lạ của một người sống bên cạnh mà mình tưởng là quen biết .

Mở đầu vở kịch, một diễn viên nói : tôi sẽ nói tới âm hộ, nói tới cái giống của đàn bà bởi vì đó là chuyện người ta dấu kín, che đậy, và cái gì dấu kín sẽ đưa tới lo sợ, bối rối, ngần ngại, khinh khi và ghê tởm ( l’angoisse, le gêne, le mépris, le dégoût ). Tôi sẽ nói tới bởi vì cái giống của đàn bà, người ta không thấy, không nhìn nhận, bỏ quên, từ đó đưa đến sự xấu hổ, sự sợ hãi, mặc cảm tội lỗi. Không, âm hộ là một cơ quan của thân thể phụ nữ. Gọi đích danh âm hộ , kể chuyện cái giống, là vượt khỏi bức tường cấm kỵ, trở thành người tự do. Mỗi năm hàng trăm ngàn đàn bà bị hiếp dâm, bị hành hạ, bị cắt xén cơ quan sinh dục trên thế giới. Nếu tất cả phụ nữ lên tiếng, bất chấp cấm kỵ, những bạo hành đó sẽ chấm dứt

L’ORIGINE DU MONDE

Trong Le Deuxième Sexe, cuốn sách gối đầu giường của những phong trào giải phóng phụ nữ, Simone de Beauvoir viết : ‘’người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành đàn bà ‘’ ( On ne naît pas femme, on le devient ). Nghĩa là tư duy phụ nữ, thái độ của phụ nữ, cách sống của phụ nữ không có gì tự nhiên, chỉ là sản phẩm của xã hội, giáo dục, văn hoá, tôn giáo của đàn ông tạo ra, áp đặt.

Một phụ nữ coi kịch xong, nói : từ nay, tôi hết mặc cảm tội lỗi, tôi thấy gần gũi, yêu cái giống của mình hơn

Một ông coi xong vở kịch, nói : cái âm hộ quả thực là cội nguồn của thế giới. Ám chỉ tác phẩm‘’ L’Origine du Monde’’ ( The Origin of the World ), nổi tiếng không kém của Gustave Courbet, gần đây bị Google kiểm duyệt vì phô bày cái sexe của phụ nữ. Cái đạo đức giả ở những nước tân tiến đôi khi nó gặp cái đạo đức giả của các xứ độc tài, nơi The Vagina Monologues bị cấm.

Việc ba bà bộ trưởng Pháp tạm gác những bất đồng chính kiến, cùng lên sân khấu đồng diễn Les Monologues du Vagin chứng tỏ công cuộc giải phóng phụ nữ, ngay cả ở những nước tân tiến, vẫn còn đầy chông gai.

Từ Thức, Paris 2018


________________________________________________________________________

ĐỐI THOẠI VỚI CỦA NỢ


Sau khi bài về chuyện ba bộ trưởng Pháp lên sân khấu trình diễn vở kịch ‘’ Lời Độc Thoại của Âm hộ ‘’ đăng trên vài báo online và facebook Từ Thức, vài bạn nói : phe ta, đàn ông, cũng phải viết một cuốn sách đối thoại với cái sexe, cái của quý của mình.

Ý hay, nhưng quá trễ.

Đã có người viết rồi : MOI ET LUI ( Tôi và Nó ) của Alberto MORAVIA. ‘’NÓ’’ là cái của quý, ở đây là cái của nợ, vì Moravia là một nhà văn yếm thế , coi tình dục là một trong những cái lăng nhăng nó quấy ta.

Moravia, một nhà văn hàng đầu của Ý, viết Moi et Lui năm 1971, 25 năm trước khi Đôc Thoại của Eve Ensler ra đời


Nếu Ensler viết Les Monologues du Vagin để phất cờ khởi nghĩa, giải phóng phụ nữ và tranh đấu cho nữ quyền, Moravia viết MOI ET LUI, ( nguyên tác : Lo E Lui ) để nói lên khiá cạnh buồn nản của tình dục, và nói chung, khía cạnh buồn nản của con người, của đời sống.

Trong 500 trang sách, nhân vật chính, Rico, một đạo diễn sống ở Rome, vạch quần không phải để nói chuyện với đầu gối, nhưng để đối thoại với NÓ, cái sexe của mình, trách móc nó đã làm khổ mình. NÓ trả lời, vạch rõ cái tôi không có gì đáng tự hào của ông chủ, từ những ham vui nhục dục tới đạo đức giả.

Qua cuộc đối thoại, đôi khi gay go, sống sượng, đôi khi khôi hài, không nhân nhượng, giữa Rico và cái sexe, Moravia chỉ trích một xã hội tiêu thụ, bị tiền bạc và tình dục ám ảnh, cai trị. Rico muốn vươn lên, nhưng luôn luôn bị Nó kéo xuống. Moravia châm biếm cả cái đạo đức giả, cách mạng rẻ tiền của cả một tầng lớp trí thức thiên tả Âu Châu ở thế kỷ 20, những người làm cách mạng trên giường, ham mê vật chất nhưng mơ ước cách mạng.

Moi et Lui đã được quay thành phim. Như hầu hết những tác phẩm của Moravia đã được những điện ảnh gia nổi danh như De Sicca, Bertolucci, Godard đưa lên màn ảnh. Cuốn phim được người Việt thế hệ trước biết nhiều nhất là ‘’Le Mépris’’ , của Jean Luc Godard, với Brigitte Bardot trong vai chính.

Movaria là một trong những tác giả hàng đầu của Ý , được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ. Qua văn phong điêu luyện, hóm hỉnh, sâu sắc, Moravia diễn tả con người, xã hội với một con mắt hoài nghi, yếm thế, đôi khi tàn nhẫn.

Văn chương, đối với ông, như một nơi ẩn trú. Ông nói : ‘’trong văn chương, có giải pháp, trong đời sống, không có ‘’( Dans la littérature, la solution existe, pas dans la vie ).

Moravia viết tiểu thuyết hiện sinh trước Sartre, trước Camus. Moravia buồn nôn trước ‘’ La Nausée ‘’ của Sartre. Những cái tựa tiểu thuyết của Moravia nói lên cái buồn chán, bi quan của tác giả : l’Ennui ( Nỗi Buồn Chán ), Les Indifférents ( Những Kẻ Thờ Ơ ), Les Ambitions Décues ( Tham vọng tiêu tan ), l’Épidémie ( Bệnh Dịch ), , l’Amant Malheureux ( Người Tình Bất hạnh ) , Hiver de Malade ( Mùa đông của người bệnh )...

Cái yếm thế, cái nhìn bi quan về con người, về xã hội, về đời sống của Moravia giải thích một phần bởi đời tư của tác giả. Ông bị lao xương từ năm 8 tuổi, sống cả thời thanh xuân trên giường bệnh, trong dưỡng đường.


Trong suốt thế kỷ 20 ( 1907-1990 ), ông quan sát và phác họa xã hội với một cái nhìn của một người bị gạt ra bên lề xã hội. Hay có cảm tưởng sống bên lề xã hội, ngay cả khi đã nổi tiếng, được trọng vọng, và sống chung với hai nữ văn sĩ danh tiếng của Ý, Carmen Lleria, Elsa Morante.

Alberto Moravia để lại trên 30 cuốn tiểu thuyết, trên 20 tập truyện ngắn, một số biên khảo, kịch bản, ký sự đồ sộ. Nhất là ký sự du lịch. Bởi vì ngoài văn chương, Moravia chạy trốn trong du lịch. Ông đi khắp nơi, từ Âu sang Á, Phi, nhìn thế giới đang đổi thay và ngậm ngùi thấy xã hội tiêu thụ sẽ đưa con người vào ngõ cụt.

Từ Thức, Paris2018

252 vues0 commentaire

Posts récents

Voir tout
bottom of page