top of page
Rechercher
  • Photo du rédacteurTỪ THỨC

Tạp ghi Tháng 10

Dernière mise à jour : 27 oct. 2023

DOPING

Một chuyện tếu, nhưng có thực xẩy ra ở Ấn Độ.

Sau khi mạng lưới xã hội cho hay các phòng tắm trong vận động trường Ấn ngập ngụa những ống chích thuốc kích thích đủ loại, cơ quan chống doping Ấn, NADA, quyết định tới kiểm soát một cuộc tranh tài điền kinh, ở sân vận động Jawaharial Nehru, New Delhi.

Kết quả là hầu hết các lực sĩ khai bịnh, bỏ cuộc vào giờ chót.

Cuộc đua chạy 100m chỉ có… một lực sĩ. Đoạt huy chương vàng, Lalit Kumar không mấy hãnh diện khi nhận giải.

Các cuộc đua khác chỉ có hai, ba lực sĩ. Giải ném búa dưới 16 tuổi cũng chỉ có một người. Trong cuộc đua dành cho thiếu nữ, ba lực sĩ tham dự đã cắm cổ chạy sau khi tới đích, để thoát nhân viên chống doping đuổi đằng sau. Cố nhiên là họ chạy nhanh hơn vì nhân viên NADA không chích thuốc.

Báo chí Ấn nói cảnh đó sẽ xẩy ra ở bất cứ nơi nào, nếu có kiểm soát.

Doping, dùng thuốc để tăng cường năng lực là một trò phổ thông trong các cuộc tranh tài thể thao.

Những nước như Nga, Tàu hay Đông Đức, Đông Âu dưới thời Công sản trước đây, coi đó là một quốc sách, một cách phô trương sức mạnh, thành quả của chế độ, bất chấp đó là một hành động bất lương và tai hại tới sức khoẻ, sinh mạng của lực sĩ.

Rất nhiều lực sĩ Đông Âu thay hình đổi dạng, nhiều thiếu nữ trở thành vai u thịt bắp, mọc râu, hết khả năng sinh đẻ.

Từ 2021, phái đoàn Nga bị cấm tham dự Thế Vận Hội và các cuộc tranh đua quốc tế, vì có quá nhiều bằng chứng là nhà nước đã trực tiếp điều hành hệ thống doping. Các lực sĩ Nga chỉ có thể tham dự với tư cách cá nhân, và bị kiểm soát cẩn thận.

Các cơ quan thể thao coi việc bài trừ doping là ưu tiên hàng đầu.

Mặc dầu vậy, trong những cuộc chạy đua giữa cảnh sát và trộm cắp bao giờ trộm cắp cũng thắng. Biện pháp nào, dù tân tiến, khoa học tới đâu cũng anh láu cá hơn, tìm được cách qua mặt. Những anh khai bệnh bỏ cuộc chỉ là những tay mơ, chưa đáng là cao thủ.


SÁCH, Ở PHÁP

Từ nay, tất cả sách mua mua trên mạng tại Pháp sẽ phải trả 3 Euros tiền gởi sách tới nhà.

Đó không phải là quyết định của những người bán sách trên mạng, nhưng là một nghị định của chính phủ, nhằm khuyến khích độc giả tới mua sách tại những nhà sách nhỏ, để bảo tồn một sinh hoạt văn hoá đang bị đe doạ bởi những đại công ty như Amazon.

Với giá rẻ, giao hàng tận nhà nhanh chóng, Amazon đã dần dần giết chết các tiểu thương. Các tỉnh nhỏ nước Pháp trước đây đều có các trung tâm thương mại, nhộn nhịp với các cửa hàng, tiệm ăn, tiệm ca phê đủ loại. Nhiều nơi ngày nay trở thành tiêu điều, các tiệm đóng cửa vì bị Amazon và các siêu thị cạnh tranh.



Cứu các tiệm sách, vì tiệm sách không phải chỉ là một cửa hàng thương mại. Đó là khuôn mặt văn hoá của các thành phố, nhất là ở những vùng hẻo lánh.

Từ 1981, ông bộ trưởng Văn hoá Jack Lang đã cho biểu quyết một đạo luật bắt buộc bán sách cùng một giá ở bất cứ nơi nào. Luật này nhằm ngăn chặn các siêu thị, các cơ sở bán sách trên mạng hạ giá, nhiều khi bán lỗ để câu khách và để tiêu diệt các tiệm sách nhỏ.

Nhà xuất bản quyết định giá sách, ghi rõ trên mỗi cuốn, không ai có quyền bán rẻ hơn.

Trò chơi cút bắt giữa nhà nước và Amazon tiếp tục, ngoạn mục

Phản ứng lại, Amazon quyết định sẽ giao sách miễn phí tận nhà. Chính phủ ra nghị định cấm gởi sách miễn phí. Amazon quyết định phí tổn gởi mỗi cuốn sách là 0,01 Euro, nghĩa là gần với zéro.

Vỏ quýt dầy, móng tay nhọn. Từ nay, mỗi cuốn sách gởi qua bưu điện bắt buộc phải trả 3 Euros, trên 3 dollars.

Các tiệm sách hoan nghênh quyết định này.

Ở xứ Pháp, người dân hoan nghênh chính phủ là chuyện hy hữu. Nhà nước làm gì cũng có ít nhất nửa nước phản đối, cho là phải làm ngược lại.

Amazon đang tính đưa chuyện này ra toà về tội vi phạm tự do kinh doanh.

Nhờ luật Lang và các biện pháp liên tiếp, nước Pháp giữ được một hệ thống tiệm sách đông đảo nhất thế giới: trên 3500 tiệm sách vẫn mở cửa, mặc dù số độc giả giảm nhiều từ ngày có Internet, và sách trở thành xa xỉ phẩm khi vật giá thi nhau leo thang.

Ở Mỹ, xứ tự do kinh doanh, cá lớn nuốt cá bé, một phép lạ: Amazon không tiêu diệt nổi các tiệm sách độc lập.

Số tiệm sách mở cửa từ 2021 ở Mỹ tăng hơn bao giờ hết. Những tháng đầu của Covid, các tiệm sách đóng cửa, tưởng là vĩnh viễn. Nhưng nhờ internet, khách đặt hàng trên mạng, hoặc được giao tận nhà, hoặc ghé qua lấy sách.

Với trợ cấp dành cho tiểu thương thời Covid (đi ngược với triết lý tự do kinh doanh của tư bản), và tinh thần hỗ tương của cộng đồng, cũng sống dậy sau một thời gian cùng khổ với Covid, các tiệm sách sống lại, sống khoẻ hơn trước Covid.

Ở Nhật, các công ty bán sách từ lâu đã tìm cách biến tiệm sách thành những nơi gặp gỡ, bên cạnh những siêu thị sách khổng lồ. Nhật có rất nhiều tiệm sách dễ thương, bạn có thể tới ngồi uống trà, đọc sách thoải mái. Đó là một cách nối lại giao hảo giữa sách với người đọc, ở xứ có người đọc sách đông nhất thế giới, nhưng cũng đã mất gần 30% độc giả từ ngày Internet ra đời.


NGOẠI GIAO KIỂU MỚI

Trước đây, những nhà ngoại giao là những người tươi cười, lễ độ 24 giờ trên 24 giờ, ôn tồn, không bao giờ lớn tiếng, nói những câu vô thưởng vô phạt, ai hiểu sao cũng được, không hiểu càng hay.

Ngoại giao ngày nay khác hẳn.

Ai cũng nhớ những câu hằn học của Donald Trump, không những đối với kẻ thù, mà cả với đồng minh, với Âu Châu, với Nhật, với NATO…

Thí dụ gần đây nhất: Ukraine và Ba Lan.

Hai nước vài ngày trước là chiến hữu môi hở răng lạnh trong cuộc chiến chống Nga.

Gần đây, được Liên hiệp Âu Châu mở cửa, Ukraine xuất cảng ồ ạt lúa mì giá rẻ, đe doạ canh nông Ba lan.

Ba Lan kết án Ukraine đủ tội. Tổng thống Zelensky của Ukraine, ngay trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, không úp mở gì, kết án Ba Lan là đồng loã với Nga, nối giáo cho giặc, quên rằng Ba Lan là nước đứng mũi chịu sào ở Âu Châu giúp Ukraine ngay từ những ngày đầu.

Ba Lan lập tức đe doạ sẽ không viện trợ quân sự cho Ukraine nữa, dù vài hôm trước còn là ưu tiên quốc gia. Tổng thống Ba Lan tuyên bố Ukraine sắp chết đuối, không muốn kẻ sắp chết đuối kéo mình chết theo.

Tất cả chỉ vì Ba Lan có bầu cử giữa tháng 10, và đảng cực hữu đang cầm quyền phải tìm cách lấy lòng cử tri nông dân bằng bất cứ giá nào, nếu không muốn mất quyền.

Đảng cực hữu, cực bảo thủ PiS trông cậy lá phiếu của nông dân và tỉnh lẻ, trong khi đối lập chiếm đa số phiếu ở những thành phố lớn, cởi mở hơn, muốn mở rộng để sống với Âu Châu, với thế giới.

Kết quả, phe đối lập của Donald Tusk thắng cử.

Âu Châu thở phào, nhe nhõm.

Trái với chính quyền cũ, Tusk là cựu Chủ tịch của Hội đồng Âu Châu, tích cực ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu, sẽ thực thi chính sách của Âu Châu, từ kinh tế đế văn hoá, xã hội (thí dụ quyền phá thai, bảo vệ người đống tính, bình đẳng nam nữ vv..).

Ukraine thở phào.

Tusk sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, trong khi thế giới đang quên Ukraine vì ưu tiên là chiến cuộc ở Do Thái, quên là Ukraine đang chiến đấu cho sự sống còn của chính mình và cho cả Âu Châu, chống lại cuộc xâm lăng trắng trợn của Nga.


CHIẾN TRANH KIỂU MỚI

Ngoại giao kiểu mới, chiến tranh cũng kiểu mới.

Trước đây, người ta tôn trọng ít hay nhiều cái gọi là quy ước chiến tranh, nghĩa là tìm cách tránh thảm sát thường dân. Thường dân vẫn bị thảm sát, hàng triệu sinh mạng, nhưng là những ‘’victimes collatérales’’ ( nạn nhân thế chấp), nghĩa là những người bị chết oan giữa hai lằn đạn. Chiến tranh, trên lý thuyết, là chiến tranh giữa hai quân đội.

Hamas, tổ chức khủng bố Palestine, đã vượt qua ranh đỏ của sự man rợ.



Thường dân không còn là nạn nhân thế chấp, nhưng là mục tiêu chính. Hamas không đương đầu nổi với quân đội Do Thái, nhắm vào thường dân, cắt cổ đàn bà, trẻ em, mổ bụng phụ nữ mang thai. Trong số những con tin bị bắt, bị mang ra hành hạ nhục mạ giữa công chúng có cả trẻ con mới…9 tháng.

Tất cả những cái man rợ đó không phải xẩy ra trong một cơn cuồng nộ, nhưng được chuẩn bị, suy nghĩ và có kế hoạch từ nhiều tháng trước, được khoe trên các media như mộ


BÌNH PHONG ĐỠ ĐẠN

Từ nhiều năm nay, dân Palestine bị quên lãng.

Các nước Tây Phương có nhiều ưu tư khác. Các nước láng giềng Hồi Giáo cũng không muốn nhắc tới Palestine, để thoải mái làm ăn.

Đùng một cái, cả thế giới đứng ra ủng hộ Palestine.

Thực ra, chẳng ai tha thiết đến mạng sống của dân Palestine.

Iran, thế lực đứng sau, dựt dây đàn em Hamas, muốn có một cuộc tấn công Do Thái man rợ, để kéo Do Thái lâm chiến, chấm dứt những nỗ lực kết nối ngoại giao giữa Do Thái với các nước Hồi Giáo, như Ả Rập Xê Út, Maroc, Jordanie, Ai Cập, cá tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein vv…nhằm cô lập Iran.

Nga ủng hộ Palestine, mặc dầu có liên hệ tốt với Do Thái, không phải vì bất bình với số phận bi đát của người Palestine, sống trong một nhà tù lộ thiên từ nhiều thập niên, như Poutine (Putin) nói, nhưng bởi vì xung đột ở Trung Đông sẽ khiến dư luận quên cuộc xâm lăng Ukraine, và đè nặng thêm ngân sách quốc phòng của Mỹ.

Ai Cập ủng hộ Palestine, nhưng không mở cửa cho dân Palestine tránh đạn, vì Ai Cập vẫn là tử thù của tổ chức Frères Musulmans (Huynh Đệ Hồi Giáo), một tổ chức Hồi giáo cực đoan, đàn anh của Hamas, bị coi là một tổ chức khủng bố bởi nhiều quốc gia, trong đó có Ai Cập.

Ai Cập sợ Hamas trà trộn vào đám di dân, và không muốn hàng triệu người Palestine tới tỵ nạn, sẽ ở lại luôn, gây khủng hoảng kinh tế, xã hội, như đã xẩy ra ở Jordanie.

Hamas, biết là khủng bố man rợ sẽ khiến Do Thái trả đũa, san bằng Gaza, giết hàng ngàn người Palestine, nhưng là cơ hội cho Hamas lập công với đàn anh Hezbollah và Iran, cơ hội để phất cờ khởi nghĩa, đóng vai lãnh đạo kháng chiến, để thế giới quên Hamas chỉ là một tổ chức khủng bố man rợ nhất, tham nhũng nhất, sẵn sàng dùng người Palestine làm bia đỡ đạn.

Hezbollah ( Parti d’Allah, Đảng của Allah), một nhóm võ trang Hồi Giáo cực đoan ở Liban, cũng là tay chân của Iran, có lực lượng và võ khí gấp 5 lần Hamas, đứng bên cạnh thúc quân chiến đấu, nhưng chưa dám đụng binh, chỉ bắn trái pháo vào lãnh thổ Do Thái. Hezbollah mạnh miệng, nhưng không quên là đã đụng độ với Do Thái 3 lần, cả 3 lần đều thảm bại.

Nơi tôi đang sống, nước Pháp, một đảng chính trị cực tả, LFI (La France Insoumise), đứng hẳn về phe Palestine, cũng chỉ vì một tính toán chính trị: tất cả các đảng khác kết án Hamas, LFI coi Hamas như một quân đội chính quy, như một tổ chức kháng chiến, cũng chỉ có mục đích lấy phiếu của người gốc Ả Rập (10% dân số Pháp). Trong những cuộc bầu cử trước đây, Đảng này đã chiếm được 68% phiếu bầu của người Hồi Giáo, gốc Ả Rập. Gần 70% trong những cuộc bầu cử có hàng chục ứng cử viên !


CHIẾN TRANH KHÔNG GIẢI PHÁP

Xung đột Palestine-Do Thái là một cuộc xung đột triền miên, không giải pháp, từ ngày quốc gia Do Thái ra đời năm 1948.

Ai cũng biết giải pháp duy nhất là thành lập 2 quốc gia độc lập, nhưng thực sự không ai muốn.

Do Thái, lẻ loi gnữa, một biển người Ả Rập, không muốn có một kẻ thù sát nách,.

Palestine, cũng như hầu hết các quốc gia láng giềng, đứng đầu là Iran, coi việc xoá Do Thái trên bản đồ Trung Đông là một cuộc thánh chiến, một nghĩa vụ đối với Allah.

Từ ba phần tư thế kỷ, Do Thái, với gần 10 triệu dân, đã cầm cự để sống còn một cách anh dũng, tứ bề thọ địch. Bà Golda Meir, cựu thủ tướng Do Thái, nói : Võ khí bí mật của Do Thái trong cuộc chiến với người Ả Rạp: chúng tôi không có nơi nào để đi cả ( We Jews have a secret weapon in our struggle with th Arabs: we have no place to go)

Do Thái, một lần nữa trong thế tiến thoái lưỡng nan.

Nếu không đổ bộ Gaza để tiêu diệt Hamas, họ sẽ khuyến khích những cuộc khủng bố khác.

Nếu tấn công, sẽ tổn thất nặng, cả về nhân mạng, kể cả mạng sống của 200 con tin. Nhất là tổn thất trong cuộc chiến tranh tâm lý. Thế giới thấy những cảnh tàn phá, những nạn nhân Palestine chết thảm dưới bom đạn, sẽ kết án Do Thái. Nhưng Do Thái khó có đường nào khác hơn là chiến đấu để sống còn. Bà Golda Meir : Nếu phải lựa chọn giữa cái chết trong sự thương tiếc, và sống với một hình ảnh xấu về mình, chúng tôi lựa sống với hình ảnh xấu. Tôi chấp nhận lời kết án hơn là lời phân ưu (của thế giới ) (*)

Paris, 26 tháng 10, 2023

TỪ THỨC

(*) ’’If we have to have a choice between beeing dead and pitied, and being alive with a bad image, we’d rather be alive and have the bad image. I prefer condemnation to condolences’’. Golda Meir









268 vues0 commentaire

Posts récents

Voir tout
bottom of page