Paris được xếp trong số 3 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, theo một bảng xếp hạng của báo The Economist, Anh Quốc. Trong số 10 thành phố đắt đỏ nhất trên 133 thành phố, Paris chỉ thua Singapour, Hong Kong, đứng trước Zurich, Genève, Osaka, Séoul, Copenhague, New York, Tel Aviv, Los Angeles. Bản sắp hạng cho hay đã căn cứ trên giá cả 160 vật dụng, dịch vụ hàng ngày, từ giá nhà cửa tới thực phẩm, quần áo . Paris đắt thực, bằng chứng là bạn bè từ Mỹ ghé qua đều le lưỡi, nhưng đọc kỹ, người ta thấy những chi tiết rất tào lao. Thí dụ giá tiền hớt tóc ( phụ nữ ) ở Paris được ghi là 104 Euros ( 119 dollars ). Cố nhiên ở những khu sang trọng, có tiệm đắt hơn nữa, nhưng bình thường , ít phụ nữ vác đầu tới cho thiên hạ chém như vậy. Gần đây, đọc một tờ báo Anh, tác giả than hớt tóc ( đàn ông ) ở Paris đi tiêu 60 dollars. Sự thực, hớt tóc tốn từ 20 tới 40 Euros, tùy khu, tùy tiệm. Những khu Tàu hay Việt, người ta hớt cho nhau với giá trên dưới 15 Euros. Những khu Ả rạp hay Phi Châu còn hạ giá hơn nữa : 8 Euros ( không gội đầu . Hớt tóc ở xứ Tây là hớt tóc, không có cái vụ cạo râu ( tính thêm tiền ), lấy ráy tai, tẩm quất vv… )
Được chất vấn về chuyện này, tác giả nghiên cứu nói đã lấy những giá cao nhất, vì bản nghiên cứu nhắm những người có lợi tức cao, di chuyển nhiều. Một ông bạn Tây nghi các ông người Anh chơi xỏ Paris. Người Anh với người Pháp vừa thích, vừa ghét nhau hơn những người khác. Nhất là ngày nay, với Brexit, nhiều người thuộc tầng lớp thưọng lưu, hay các hãng quốc tế , đã và đang tính chuyện chạy khỏi London. Công bố bảng xếp hạng tào lao là một cách dọa : chớ dại dọn nhà, dọn văn phòng sang Paris cho dân Pháp cứa cổ. Thường thường, những người sống tại chỗ, đến tận nơi thấy những bảng xếp hạng hay thống kê rất xa thực tế. Chỉ cần cầm 100 Euros đi một vòng, tiêu vặt vớ vẩn, cũng thấy Genève, Monaco đắt đỏ hơn Paris nhiều. Chuyện đắt rẻ, nhiều khi cũng chỉ do thành kiến. Ai cũng nghĩ giá cả ở Nhật đắt đỏ. Quả thực ở Nhật có tiệm bán 4, 5 trăm dollars một ký lô thịt bò Kobe, hay một trái dưa hiếm 150 đô, nhưng với 15, 20 Euros có thể ăn tiệm ở Tokyo, trong khi dưới 30 Euros, trong các tiệm ăn Pháp ở Paris thường thường chỉ nhậu món ăn đông lạnh. Chuyện đắt rẻ cũng tương đối. Albert Einstein : ‘’ Everything is relative ‘’. The Economist coi Damas ( Syrie ) và Caracas ( Venézuela ) là hai thành phố rẻ nhất. Chưa chắc đó là cảm tưởng của dân Venézuela, khi phải xếp hàng cả ngày để mua 500 grammes thịt, một ký đường, với tiền một tháng lương. Những ông bạn Mỹ gốc Việt thấy giá cả Paris đều le lưỡi. Đó chưa chắc là phản ứng của những người tới từ Bắc Âu hay Thuỵ Sĩ. Đó lại càng không phải là phản ứng của các đầy tớ VN, đi ‘’ công vụ ‘’ hay ‘’ tham quan ‘’ ở Paris như đi chợ, coi việc trả tiền khách sạn mỗi đêm 5, 6 trăm hay hàng ngàn Euros là chuyện vặt. ‘’ Tôi chỉ tin những thống kê do tôi bịa ra ‘’. Georges Clemenceau nói thế, mặc dầu chưa biết thống kê của Việt Nam XHCN : mức tăng trưởng kinh tế gần 7% , tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới : 2%
Trở lại với chuyện đắt đỏ, thế nào là đắt, là rẻ ? Khi còn đi làm, di chuyển thường xuyên, chúng tôi có một phương pháp để đánh giá nơi vừa tới rất nhanh, trung thực hơn sách vở, thống kê : ghé qua một tiệm McDonald's coi giá humburger, so với lương giờ tối thiểu. Cũng như nhìn đường, nếu đầy rác là nơi tinh thần công dân thấp. Liếc qua trang đầu những tờ báo, để biết mức độ dân chủ tùy theo những bài chỉ trích lãnh đạo, phê bình chính sách nhà nước.
http://www.lefigaro.fr/conso/2019/03/23/20010-20190323ARTFIG00065-paris-integre-le-trio-des-villes-les-plus-cheres-du-monde.php?utm_medium=Social&utm_source=F
Comments