Ngồi uống café với một người bạn ở Paris. Bên kia đường là một nhà giữ trẻ trong một công viên nhỏ, thật dễ thương. Hỏi anh bạn sao nghe nói có dự án mở rộng nhà giữ trẻ, mà mãi không thấy động tĩnh gì.
Anh bạn cho hay muốn xây cất, phải đốn hai ba cây trong vườn. Dân trong xóm, già trẻ lớn bé phản đối, biểu tình om xòm, cuối cùng thị xã không dám đụng tới cây, phải đi kiếm đất, xây nhà nơi khác.
Suýt nữa tôi kể cho anh bạn hay có một xứ người ta chặt rừng, chặt cây cổ thụ trong thành phố cổ, bán lấy tiền xài. Nhiều khi thủ phạm là những người có nhiệm vụ bảo vệ cây, bảo vệ rừng, trước sự thờ ơ của mọi người, trừ một nhóm trẻ , hiếm hoi, còn biết bất mãn trước những chuyện man rợ.
Không kể cho anh bạn người Pháp chuyện đó, vì nếu anh ta hỏi xứ nào kỳ vậy, lại được dịp xấu hổ. Đã lỡ khoe với anh ta đó là một xứ có bốn ngàn năm văn hiến.
Cũng như không dám kể cho anh ta chuyện người ta đào bãi biển để bán cát, san bằng đảo làm khách sạn, vì có lần về chơi quê anh ta , đã nghe chuyện một ông triệu phú, quen lớn, ngấm ngầm nới rộng cái phòng khách trong dinh cơ gần bãi biển. Dân phản đối, vì xây cất làm mất thẩm mỹ bãi biển, vi phạm luật bảo vệ môi trường. Ông xã trưởng, đã ký giấy phép, lãnh án tù treo. Chủ nhà bị phạt nặng, án tòa bắt phải lập tức san bằng cái phòng khách, mỗi ngày trễ bị phạt 2000 euros. Người ta không đùa với môi trường.
Bên Pháp gần xôn xao chuyện con ong. Ông bộ trưởng Canh Nông tuyên bố có thể chính phủ sẽ xét lại luật cấm xử dụng những phân bón có chất néonicotinoïdes .
Luật này của Pháp khắt khe hơn luật chung của Âu Châu, bị các đại điền chủ, và lobby của các công ty sản xuất phân bón phản đối, vì loại phân bón này rất hữu hiệu trong việc trị sâu, và tăng gia năng xuất nông nghiệp, mặc dù tai hại cho loài ong.
Dư luận đứng về phe … đàn ong, và chính phủ đã nhượng bộ, tuyên bố sẽ không đụng tới luật hiện hành.
Chất néonicotinoïdes không giết ong, nhưng tàn phá bộ óc, khiến ong hết biết phương hướng và chết khi kiếm đường về tổ. Con ong là một phần tử chủ yếu trong vũ trụ, giúp cây trái khai hoa nở nhụy. Einstein nói nếu loài ong biến mất trên trái đất , nhân loại sẽ chỉ sống sót thêm 4 năm.
Không biết ở VN ngày nay có ai để ý đến con ong không, nhưng có nhiều người trước đây bị đưa đi ‘’cải tạo’’ ngoài Bắc nói có nhiều vùng không nghe thấy tiếng chim hót. Chim chóc kéo nhau vào nồi cả.
Nhiều tổ chức quốc tế báo động rừng Việt Nam có nhiều loài vật cực hiếm, được UNESCO coi là kho tàng của nhân loại, đang bị đe dọa diệt chủng vì bị săn làm đồ nhậu.
Những ‘’đại gia ‘’sẵn sàng trả giá cao, để đãi khách những món ăn quốc cấm, chứng tỏ mình chơi sang ( đúng hơn là chơi ngu , nhưng nếu bọn ngu biết mình ngu, sẽ…hết ngu, sẽ hết chuyện nói ) và có đủ thế lực để chơi cha thiên hạ, ngồi xổm trên pháp luật.
Ngày nay, ở Phi Châu, thỉnh thoảng vẫn có chuyện bọn bất lương giết voi, tê giác lấy sừng bán giá cao cho bọn có tiền bên Tầu và Việt ( tin một cách ngu xuẩn rằng sừng tê giác hữu hiệu hơn Viagara , sẽ giúp ích các cụ, các bác ngồi trên đống tiền, có quyền sinh sát, nhưng… trên bảo dưới không nghe nữa ), nhưng, nói chung, dân chúng đã hiểu rằng những con vật đó cần cho môi sinh, và cho đời sống của chính họ, vì là nguồn ngoại tệ lớn nhờ du khách. Tôi đã chứng kiến cảnh dân làng một xứ Phi Châu hẻo lánh tích cực cứu những con rùa loạng quạng đi lạc trên bãi cát nóng
Ở VN, đó còn là chuyện xa vời, chuyện trời ơi đất hỡi do Tây Đầm bày ra vì hết chuyện làm. Đó là cái nhìn của một xã hội trong đó ‘’ con ong, cái kiến kêu gì được oan ‘’. Con ong ở đây là con ong người, bị coi như sâu bọ. Nói gì con ong thực ?
Bao giờ ở VN có những người trẻ, thay vì xếp hàng suốt ngày trước những tiệm H § M , GAP. . rủ nhau đi cứu những đàn ong ?
Comments