1.VÍ
Loạng quạng, đánh rơi cái ví (portefeuille), trong đó có thẻ kiểm tra ( ID/ carte d’identité), carte bleue ( credit card ), 250 Euros và một số tiền Nhật mới đổi. Ra bót cảnh sát đầu đường. Nhân viên cảnh sát có vẻ mừng rỡ vì có việc làm. Thường thường, cảnh sát Nhật ngồi buồn tênh, đi ra đi vào, không có ai thưa gởi gì, không có ẩu đả, ăn trộm, ăn cướp, ăn cắp, lừa đảo. Thỉnh thoảng vớ được một bà già té xỉu, chở tới bệnh viện. Hay đưa một ông cụ qua đường ( đưa thực, không phải dìu ông già trước máy quay phim, quay phim xong đá đít ông già ), hay chỉ lối cho một du khách tới một địa chỉ không có tên đường. Một ông cảnh sát mở computer, coi danh sách những đồ vật lượm được trong thành phố. Một bà gọi điện thoại tới phi trường. Người thứ ba đứng coi, sẵn sàng phụ tá 2 đồng nghiệp. Họ hơi thất vọng vì không tìm thấy gì, khuyên nên trở lại buổi chiều . Chiều, trở lại, họ đã tìm được cái ví. Có người lượm được dưới ghế một xe bus, đưa cho tài xế. Giấy tờ, tiền bạc còn y nguyên. Xứ sở gì kỳ cục.
2. RÁC Hồi trước, sau một bữa ăn ở Tokyo, muốn biểu diễn một màn lịch lãm, tiến bộ của đàn ông Pháp, dù chỉ là Pháp giấy, tôi tự nguyện đứng dậy dọn bàn. Nhặt xương cá, xương gà, khăn ăn, vỏ chai vv..bỏ vào túi đựng rác, đem xuống bếp. Hai giờ sáng, khát nước, mò xuống bếp, thấy nhà bếp sáng trưng. Cô bồ người Nhật của thằng con trai cả đang đổ các túi rác ra sàn bếp, xếp thứ nào ra thứ đó, giấy một bên, vỏ chai một bên, thức ăn một bên. Cô gái buổi chiều thấy người Tây giấy hung hăng biểu diễn, không nói gì, chờ mọi người ngủ mới lặng lẽ xuống bếp, thu xếp lại. Hơi ngượng, nghĩa là rất ngượng. Nhưng thời đó, cách đây trên 10 năm, ở Pháp ít người biết ‘’trier ‘’ rác, vứt mỗi thứ vào một thùng rác riêng. Ngày nay đã trở thành một thói quen Hôm qua, rảnh rỗi, tôi lựa thứ nào ra thứ đó, tính mang xuống nhà bỏ vào thùng rác. Nhưng lại nhanh nhảu đoảng, sai quy trình. Ngày nay, ở Tokyo, không phải ngày nào cũng đổ rác được. Mỗi ngày trong tuần người ta đi thâu lượm một loại rác : những thứ có thể tái biến như giấy, bao nhựa, vỏ chai, những thứ có thể đốt dễ dàng, những thứ khó đốt vv.. Nói chuyện rác, bạn có biết tại sao đường xá Nhật sạch như ly như lau ? Bởi vì …không có một thùng rác nào ngoài đường. Người Tây Phương nghĩ muốn dân không xả rác, phải để thật nhiều thùng rác khắp nơi. Người Nhật làm ngược lại. Ai có rác, giấy vụn.. đều bỏ vào túi, mang về nhà. Ở Singapour, đường xá cũng sạch bóng, nhưng bởi vì anh nào loạng quạng xả rác hay vứt tàn thuốc lá là nộp phạt thẳng cẳng. Phải bao nhiêu thế hệ nữa Singapour mới có đuờng sạch khỏi cần phạt ? Ở VN, nếu có rác, người ta xả… trước khi về nhà. Nếu cái thùng rác đẹp, có thể xài được, bứng luôn mang về Tạm triết lý cùn : giải pháp không phải ở phương tiện, nhưng ở trong đầu, ở tư duy. Khi cái đầu sạch, tất cả đều sạch. Cái đầu VN…. Nói chuyện rác, lan sang một chuyện khác..Ngày nay ngồi trong xe điện ngầm, xe bus, thấy ít người Nhật đọc báo như ngày xưa. Ai cũng chúi mũi vào smartphones. Nếu không ngủ gà ngủ gật, vì hôm trước lao động tốt, về trễ. Người Nhật có tài ngủ : vừa lên xe điện đã ngủ ngon lành. Nhiều khi ngủ đứng. Và khi tới nơi, mở mắt dậy như một cái máy, không hề lỡ, xuống lầm trạm xe. Một người dân địa phương giải thích : đọc trên điện thoại tiện hơn là đọc báo. Mua một tờ báo ở những nơi khác, đọc xong vứt đi, khỏe ru. Ở Nhật, phải ôm tờ báo suốt ngày, tối về nhà mới có chỗ vứt. Không đọc trên métro, chắc người Nhật đọc sách báo ở nhà. Bởi vì trong khi trên khắp thế giới, báo giấy đang lâm nạn vì thiếu độc giả, báo chí Nhật vẫn khơi khơi mạnh khỏe. Một tờ báo lớn của Pháp, như Figaro, Le Monde phát hành trên dưới 300.000 bản, báo Mỹ New York Times 1 triệu, báo Anh Daily Mirror trên dưới 1,2 triệu, báo Đức Bild 3 triệu, những tờ báo Nhật như Yomuri Shimbun vẫn bán hàng chục triệu số. Chưa nghe thủ tướng Phúc nổ, không biết báo VN có đứng đầu thế giới về số lượng không. Nhưng báo chí nhà nước, in nhiều hay ít, thường thường không phải để đọc, mà để gói xôi. Ít có báo chí nơi nào trực tiếp đóng góp cho công nghệ ẩm thực như vậy. Đó cũng là một đề tài đáng nổ. Hay ít nhất đáng chú trọng, khi nghiên cứu về lịch sử xôi chè VN
HỌC
Tới thăm một người bạn dạy học ở Kansai. Từ cổng trường tới lớp học, học sinh cúi đầu chào thầy, kể cả học sinh không quen biết. Phải chào lại mỗi người, mệt quá, dù anh ta đã nghiên cứu đường đi, nước bước để gặp tối thiểu học sinh. Học sinh Nhật lễ phép, chăm chỉ, nhưng quá dè dặt, ít trao đổi, phản kháng, đặt vấn đề. Học sinh Mỹ biết đặt vấn đề, thắc mắc, phản kháng, nhưng có vẻ hỗn, dưới con mắt người VN. Lý tưởng là lễ độ như học sinh Nhật, nhưng thẳng thắn bày tỏ lập trường, suy nghĩ cá nhân, như học sinh Mỹ. Học sinh VN không thảo luận, trao đổi lôi thôi, sẵn sàng đánh bạn hữu như đòn thù, và hạ K.O thầy cô, nếu cần. Đó có phải là thực trạng ngày nay, hay chỉ là cái nhìn phiến diện của một người ở xa, có nhận định bị méo mó bởi những tin tức dựt gân trên báo, trên mạng xã hội ? Trong bất cứ trường hợp nào, tuổi trẻ VN cũng chỉ là nạn nhân. Tuổi trẻ là phản ảnh trung thực nhất của xã hội..
( còn tiếp )
Tokyo, Tháng Năm 2019
Comments