Tuần này, lại đi Père Lachaise. Hồi này, đi đều đều, gần như thuộc lòng những con đường nhỏ rợp bóng cây, quen với cái yên tĩnh như một công viên Nhật Bản của Père Lachaise, giữa một khu ồn ào trong cái thành phố ồn ào là Paris.
Père Lachaise là một nghĩa địa nổi tiếng. Ngày nay là nơi làm lễ hoả thiêu, vì đất cát đã có người cư ngụ, trong đó có những danh nhân : những Molière, Alfred de Musset, Jean de La Fontaine, Marcel Proust, Balzac, Oscar Wìlde, Jim Morisson, Edith Piaf, Yves Montand...Chưa thấy cán bộ cao cấp nào nghĩ tới chuyện ra lệnh dời mồ mả đi để xây dinh thự, khách sạn.
Nghĩa trang là nơi những người đứng tuổi gặp nhau. Có người không ra khỏi nhà nữa, trừ khi ra nghĩa trang tiễn đưa nhau. Như những người già của Jacques Brel : mới đầu di chuyển từ cái giường tới cửa sổ, dần dần từ cái giường tới ..cái giường . ‘’Du lit au lit‘’. Mở tờ báo, coi ngay mục cáo phó, để biết tin tức bạn bè, anh nào còn anh nào bỏ cuộc chơi, trước khi coi tin tức xem hôm nay Trump gây gổ với ai, Tàu đã chiếm tới tỉnh nào , đã tìm thấy bản đồ chưa .. Tiếng Việt cũng ngộ. ‘’ Đứng tuổi ‘’, để nói về những người không đứng vững nữa. Người ra đi là H .. Mới tháng trước, gặp H cũng ở Père Lachaise, H nói chừng nào ông đi Nhật, cho tôi đi theo, mình đã tới Kyoto, nhưng đi với một ông bạn ở Mỹ, du lịch chớp nhoáng kiểu Mỹ, 7 ngày 7 nước.. Có một thành phố không nên đột kích chớp nhoáng là Kyoto. Mình cũng thích món ăn Nhật Sau đám tang của một người bạn, ngồi nói chuyện cả buổi với H trong một quán café gần Père Lachaise tới choạng vạng tối. Chuyện văn chương, triết học, tôn giáo.. , những thứ lỉnh kỉnh, ít khi nói với ai, vì thường thường ý không giống ai, sợ thiên hạ cho là ngang như cua. Lạ, hai tên có nhiều nhận xét y chang như nhau. Cái khác nhau là H có những ý rất lạ, không hiểu moi từ đâu ra. Nghe H nói, tự hỏi : tại sao mình không nghĩ tới chuyện đó, không có ý đó, sao sách đó chưa đọc, sao tác giả đó mình lơ là... Có những điều mình tin như đinh đóng cột, nghe H, bắt đầu hoài nghi. Có tác phẩm mình cho là tuyệt tác, nghe H, lung lay, có lẽ phải đọc lại, xét lại. Lễ hoả thiêu đơn giản theo ý muốn của H. Đơn giản như đời sống của người vừa nằm xuống. Không diễn văn, ai điếu. Chỉ có sự im lặng. Những tình cảm im lặng thành thực hơn là lời nói. Nhớ có lần H tâm sự: mình chỉ muốn được sống những phút cuối cùng trong ngôi nhà lá ngày xưa sống với mẹ, trong làng. Nói xong, cười lớn, như ngượng đã nói một câu ngớ ngẩn. Đã vô tình để lộ một vết thương. Khóc trước mặt người khác là thiếu sự trang nhã. " Khôi hài là cái lễ độ của sự tuyệt vọng '', như có người nói, không biết Hugo hay Vian. L'humour est la politesse du désespoir. Nhiều lúc đặt câu hỏi H có phải là người Việt không. Hay đã quên mình là người Việt. H không có tính nết của người Việt, không có dân tộc tính. Không biết khoe khoang, không háo danh, không cố chấp, suy nghĩ hơn là gây gổ, làm nhiều hơn nói, bỏ quên cái tôi trong túi. Không biết thù ghét, ghen tị . Nhìn người khác, chỉ thấy cái tốt. Nhìn cái anh cu H hiền lành, gần như lù đù, lúc nào cũng nhã nhặn, từ tốn, ít người biết H. đã làm nhiều chuyện động trời, đáng viết hai ba cuốn hồi ký.
Khổng Tử nói : làm người, thật khó. Với H, làm người thật dễ. Sống tử tế thật dễ. Tự nhiên như thở, không cần cố gắng. Như ta đi chợ, mua một ổ bánh mì.
Sau lễ hỏa táng, ra tiệm café, ngồi ở cái bàn hôm trước ngồi với H. Ông biết không, ở Kyoto, có một tiệm ăn nhỏ, 12 ghế, cha truyền con nối, chủ tiệm nhất định không thêm chỗ ngồi, mặc dù nổi tiếng, để có thể phục vụ khách chu đáo. Ông ăn một lần, sẽ hiểu tại sao người ta có thể ăn cá sống cả đời, và những '' tiệm ăn Nhật '' của người Tàu ở Paris chỉ là chuyện bịp bơm lố bịch Ngồi một mình cho tới khi trời chạng vạng tối, cô chủ tiệm café nhắc, hiền lành : Monsieur, chúng tôi đóng cửa.
Tối nay muốn yên. Anh nào lớ ngớ gõ cửa hay gọi điện thoại, sẵn sàng gây sự. Đang muốn kiếm người gây sự...
Người đi, ừ nhỉ, người đi thực ...( Thâm Tâm )
Từ Thức, tháng Năm, 2018
Comments