top of page
Rechercher
  • Photo du rédacteurTỪ THỨC

****CÁM ƠN, XIN LỖI, ĐÉO

Dernière mise à jour : 30 sept. 2018

Có người hỏi : Ông ở bên Tây mấy chục năm, học được những gì ? Đáp : học biết nói ‘‘cám ơn, xin lỗi, tôi lầm’’, những từ ngữ người Việt ta không biết, hay đã quên.


Hôm trước, bị một anh Tàu chen lấn, té chỏng gọng. Anh ta đứng dương mắt nhìn, trong khi Tây đầm họ xúm lại, hỏi han. Người Việt mình, cũng như người Tàu, ít khi xin lỗi, vì lỗi chỉ ở người khác. Gân cổ lên cãi trước đã. Rồi thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, nếu cần. Ít khi cám ơn, nhất là khi đã trả tiền. Không có lý do gì hạ mình cám ơn cô hầu bàn vừa bưng lên tô phở, ông xích lô è cổ đạp đưa mình tới nơi. Chỉ cám ơn người trên, nếu cần cúi rạp đầu. Không cám ơn người dưới. Người dưới là những người trẻ hơn, yếu hơn, nghèo hơn, chức tưóc, bằng cấp thấp hơn .


Tặng một anh bạn cũ một số tiền nhỏ. Anh ta mừng quá, nói đang lo kiếm tiền mua quà Tết biếu sếp. Hỏi : tại sao phải biếu sếp, anh ta hỏi lại : ở bên Tây không có chuyện đó à ? Không có, chỉ có chuyện ban giám đốc cuối năm phải nghĩ chuyện kiếm quà tặng nhân viên, cám ơn họ đã làm việc chu đáo, hữu hiệu.

Khi tôi về VN lần cuối, cách đây 17, 18 năm gì đó, ăn uống, mua bán cái gì cũng phải trả đắt hơn người khác. Đi đâu cũng được những người hành khất bám theo. Đứng chờ ở bưu điện cả giờ không gởi được một lá thư bảo đảm ; cứ tới phiên mình là có một ông, một bà không hiểu từ đâu tới, xông vào, chiếm chỗ.

Thắc mắc : sao vậy ? Cô bạn nói : vì họ biết anh là ‘‘Việt kiều’’. Làm sao biết tôi là Việt kiều ? Sau mấy ngày phơi nắng, mặt mũi cũng cháy đen như mọi người. Ăn mặc còn cẩu thả, xập xệ hơn nhiều người trong nước, rất thích biểu diễn đồ hiệu ( có người tìm cách cho thiên hạ thấy cái hiệu quần lót đang mặc ). Cô bạn giải thích : tại anh đi lẹ như ma đuổi, cái gì cũng cám ơn, đụng ai cũng xin lỗi.

Người Việt rất ít khi nhận mình lầm. Ai cũng nắm sự thực trong tay. Thảo luận không phải để trao đổi, nhưng để thắng, để quàng lên đầu thiên hạ cái sự thực của mình. Suy nghĩ đòi hỏi cố gắng. Nhìn nhận mình lầm, sau khi đã suy nghĩ , còn khó hơn nữa, vì ngoài sự cố gắng còn cần sự khiêm tốn, phục thiện.

Chỉ cần coi những buổi hội thảo của người Việt. Cãi nhau như mổ bò về những chi tiết vô bổ,quên cả đề tài chính, rồi ai nấy ôm cái sự thực to tổ bố của mình về nhà. Thêm sự hậm hực, đôi khi thù oán, nếu không thắng, không bị ‘‘mất mặt’’. Không quên chụp cho thiên hạ một cái nón cối.

Đi dự một buổi nói chuyện, thảo luận của người ngoại quốc, học được rất nhiều. Người thuyết trình chuẩn bị chu đáo, người tham luận lịch sự, trình bày ý kiến sáng sủa. Nhiều khi ra khỏi phòng họp, thấy định kiến của mình lung lay.

Dự một buổi thuyết trình của người Việt, chẳng học được gì. Không hiểu thuyết trình viên muốn nói gì, không hiểu tại sao họ cãi nhau. Chẳng ai quan tâm tới ý kiến, lý luận của người khác.

Phật nói : khi ai tặng quà, phải mở tay ra mới nhận được. Trí tuệ cũng vậy, nếu không mở ra, cứ đóng khư khư trong những định kiến, làm sao nhận được quà người khác gởi ? Có lẽ cái cố chấp ấy khiến kiến thức của phe ta èo uột, uá héo, như cái cây không được tưới, bón.

Dân nào cũng có thói xấu, chụp mũ là độc quyền của dân Việt. Đỡ phải lý luận, suy nghĩ, tìm hiểu, phân tách, thuyết phục, thông cảm : chụp cho thiên hạ một cái mũ là xong chuyện.


Một anh bạn tới Paris chơi, nhờ cho vài câu tiếng tây thông dụng. Dễ lắm : ‘‘excusez-moi, merci, vous avez raison..’’, xin lỗi, cám ơn, ông bà có lý.. Dễ, nhưng chưa chắc đã nói được, vì không quen. Nói sống lêu bêu ở xứ Tây mấy chục năm, học được chuyện biết nói ‘’cám ơn, xin lỗi, tôi lầm, bạn có lý ‘’, nghe có vẻ đùa cợt, nhưng không xa sự thực bao nhiêu.

Mà chưa chắc đã học được. Tôi nghiệm thấy khi ở Mỹ, Canada, Âu Châu hay Nhật, mỗi lần có chen lấn, đụng chạm, mình chưa kịp phản ứng, người ngoại quốc họ đã mỉm cười xin lỗi.

Từ lúc học, đến lúc hành xử một cách tự nhiên, cũng phải qua nhiều đường đất lắm. Nó đến từ từ, thành thói quen lúc nào không hay. Và khi đã thành thói quen, muốn bỏ cũng không được.

Văn hóa, nó bắt đầu từ những cái nhỏ nhặt thường nhật. Phải bao nhiêu năm XHCN mới dạy người Việt văn hoá ‘‘đéo’’, cái gì cũng đéo ? Và phải bao nhiêu thế hệ mới bỏ được, nếu ngày nào đó, chán đéo, muốn bỏ ?

Từ Thức, Paris, 2017.

309 vues0 commentaire

Posts récents

Voir tout

Comments


bottom of page