Một bà bạn VN từ xa tới, bắt phải đưa đi các tiệm Tàu ở Paris để mua bơ mặn Bretel, không thấy bán ở tiệm Tây. Đi loạng quạng, mất đôi kính cận. Trở lại các tiệm đã đi qua, hỏi. Các chủ tiệm hay người bán hàng, người Tàu, mười người như một, lắc đầu. Có người chưa nghe hết câu hỏi, có người một chữ Tây cắn làm đôi không biết, chưa hiểu ất giáp gì, đã lắc đầu thật lẹ cho xong. Có ông không thèm ngửng đầu lên khỏi đống sổ sách : ‘’ Non, Non !‘’. Một bà không thèm trả lời, dụ : tôi bán kiếng, 10 euros, có muốn mua không ?.
Xuống métro. Bà bán vé xe điện ngầm, người Pháp, tiếp đón tử tế. Hỏi kiếng hiệu gì, kiểu gì, mất giờ nào. Coi trên computer, gọi điện thoại tùm lum không thấy, bà ta viết một message gởi các cơ quan liên hệ. Hôm sau, họ gởi mail trả lời rất tiếc đã tìm nhưng không thấy kiếng, và khuyên nên hỏi văn phòng ‘’ Objets Trouvés ‘’ ( Đồ Lượm Được ) của thành phố . Công chức Pháp vẫn nổi tiếng là lười, suốt ngày ngồi âm mưu chuyện đi nghỉ hè, nhưng họ văn minh hơn người Tàu. Người Tàu, sống ở Pháp, vẫn giữ nguyên con thói quen, tư cách của họ, coi người khác như không có, nhất là khi người khác không mang lại lợi lộc, không nói tiếng Tàu. Cái vô cảm, cái thờ ơ đối với sự bất hạnh của người khác ( mất kiếng là một bất hạnh với một anh cận nặng ) là mẫu số chung của những người đã sống dưới chế độ độc tài. Khác hẳn với người Nhật. Hỏi đường, họ bỏ công việc, dẫn bạn tới tận chỗ. Hình như có một thời, người Việt cũng ân cần, tử tế như vậy Trở lại chuyện bơ Bretel. Người Việt, nhất là những người cao tuổi, vẫn không bỏ được văn hóa Pháp thế kỷ trước. Mỗi lần tới Pháp, đòi mua áo Montagut, ngày nay không ai xài. Đòi thuốc Gardinan, một loại thuốc Tây thịnh hành thời đệ nhị thế chiến. Đòi ''pâté foie '', món không ai ăn, các siêu thị giấu kỹ trong một góc kín, vì giá quá rẻ. Đòi cá mòi (sardines ) hộp marocain, đã ăn khi còn nhỏ ở Hà Nội hay Sài Gòn, khi Hà Nội, Sài Gòn còn là Sài Gòn, Hà Nội. Đòi ‘’pâté chaud’’ ( ngon thực ), là một món ăn do người Việt chế ra, tưởng là món ăn Tây. Thích bơ Bretel, vì nó hợp '' goût '' VN, quen ăn mặn. Có lẽ khởi đầu vì nghèo, thiếu ăn. Món ăn gì cũng cho thật nhiều muối để ăn được lâu..Có người thấy món ăn là đổ nước mắm vào, khỏi cần nếm. Đi kiếm '' pâté foie '' ( gan heo ), nước chấm Maggi, áo Montagut.., không biết là kiếm một món hàng quen, một văn hóa cũ, hay đằng sau là chuyện tình cảm, muốn đi tìm lại quá khứ, chạy theo những kỷ niệm, tìm lại chính mình ? Khẩu vị, hàng hóa, nhiều khi nó liên hệ rất nhiều đến những kỷ niệm. Ngồi nhâm nhi miếng pho mát Con Bò Cười, cái kẹo Nougat là ngồi nhâm nhi những kỷ niệm thời trẻ, mảnh đời đẹp nhất đã qua. Một người VN sống ngoài nước Pháp, giữa '' foie gras '' ( gan ngỗng, một loại cao lương mỹ vị đắt tiền ) và '' pâté foie '' ( gan heo, món ăn rẻ nhất ), sẽ lựa pâté foie. Một bên xa lạ, một bên là mùi vị của ký ức. Những món hàng xưa của Pháp cũng là một xã hội đã mất, xã hội của tiểu công nghệ, của những người yêu nghề, có lương tâm, chế tạo những sản phẩm có phẩm chất tốt. Một thương trường chưa biết làm đồ giả, chưa biết lường gạt, chưa có " made in China.'' , chưa có gạo ni lông, thịt tẩm hoá chất... Tóm lại, chưa phải là một xã hội '' cái gì cũng giả '' theo lời ông bộ trưởng Côn An Tô Lâm. Đi tìm những món hàng đó, phải chăng trong thâm tâm muốn sống lại một xã hội tử tế ? Một ông bạn ở Mỹ, năm nào cũng chạy qua Pháp, chỉ để ngồi lai rai trong một quán café, sống lại những ngày còn trẻ, ngồi café Brodard, trên đường Catinat, Saigòn, nhìn các cô áo dài, má ửng hồng đi lại Tháng trước, một ông bạn từ Mỹ sang, chỉ muốn ăn ‘’ civet de lapin ’’ ( thỏ nấu rượu vang ). Phải vất vả lắm, lên Internet lục lọi, mới kiếm được một tiệm làm civet, trong cái thành phố thượng vàng hạ cám, không thiếu một món ăn gì của thế giới, là Paris. Bà chủ quán hỏi : ‘’ các ông là người Việt ? ‘’ và cho hay có một gia đình Việt vừa rời tiệm, rất thoả mãn đã được ăn civet
Đúng vậy. Đã sửa. Thanks. Tôi cũng kỵ cái chuyện xài từ ngữ của các đồng chí bịa ra sau 75, với mục đích xóa bỏ văn hóa, tư duy cũ. Nhưng thỉnh thoảng vẫn vô tinh rơi vào bẫy
Kính ông Tứ Thức,
Rất thích đọc bài của ông; tinh tế, nhẹ nhàng và sâu sắc.
Trong bài viết về bơ Bretel (mà tôi cũng mắc phải cái "chứng" thích này !) ông có dùng chữ "chất lượng", một danh từ khá phổ biến sau 1975, được hiểu như là quality mà chữ phản nghiã của nó là "số lượng" (quantity).
Từ điển miền Nam trước 1975 không hề có chữ "chất lượng". Chữ "chất" ở đây chỉ có nghĩa như là nguyên liệu, vật liệu ̣(material), nó không nói lên phẩm chất của đối tượng đề cập ̣đến, cho nên chữ "chất lượng" vô nghĩa. Thay vào đó, có thể tùy nghi sử dụng những chữ như phẩm…